Thương hiệu theo cách hiểu của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới là một dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.
Thương hiệu là thuật ngữ được sử dụng dưới góc độ quản trị doanh nghiệp và marketing. Thương hiệu không phải đối tượng điều chỉnh của luật pháp sở hữu trí tuệ và không được luật pháp sở hữu trí tuệ bảo hộ. Đối tượng thương hiệu hường đến là thị trường, khách hàng và người tiêu dùng chứ không phải mục đích xác lập quyền như nhãn hiệu.
Để hình thành và tạo dựng một thương hiệu, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Nói đến thương hiệu là nói đến hình tượng hàng hóa trong tâm trí người tiêu dùng, về sự tin tưởng, uy tín của chính thương hiệu.
Pháp luật Việt Nam chưa coi thương hiệu là đối tượng bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ, do đó, chủ sở hữu chưa thể thực hiện thủ tục đăng ký thương hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các sản phẩm, dịch vụ của chủ sở hữu sẽ được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu. Nhãn hiệu không đương nhiên được pháp luật bảo hộ, muốn bảo hộ nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu phải làm thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Việc đăng ký nhãn hiệu nếu suôn sẻ thì không vấn đề gì, nhưng đôi lúc xảy ra vấn đề khiến đơn không được chấp nhận. Vậy cá nhân, tổ chức nộp đơn phải làm gì khi đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối.
Vậy, người nộp đơn nên làm gì nếu việc đăng ký không được suôn sẻ:
– Trường hợp Cục sở hữu trí tuệ có thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc dự định từ chối đăng ký người nộp đơn cần sửa chữa những sai sót của đơn (nếu có thể) hoặc nếu ý kiến phản bác lý do dẫn đến dự định từ chối không xác đáng của Cục sở hữu trí tuệ.
– Trường hợp Cục sở hữu trí tuệ thông báo về việc có người khác phản đối việc đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn cần sửa đổi mẫu nhãn hiệu, thu hẹp danh mục hàng hóa, dịch vụ trong đơn, hoặc nêu ý kiến phản bác những lý lẽ, chứng cứ không xác đáng của người phản đối.
– Để khắc phục những thiếu sót của đơn, người nộp đơn có thể sửa đơn, tuy nhiên người nộp đơn không được phép sửa đổi mẫu hiệu đến mức làm thay đổi bản chất của nhãn hiệu và không được phép bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ đã khai trong đơn.
– Nếu không đồng ý với các quyết định của Cục sở hữu trí tuệ liên quan đến đơn đăng ký, người nộp đơn có thể khiếu nại lần đầu với Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ. Trường hợp không đồng ý với kết quả khiếu nại lần đầu, người nộp đơn có thể khiếu nại Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện vụ án hành chính tòa án có thẩm quyền.